Em cứ sống một cuộc đời của cỏ/ Thúy Nhân.- H.: Kim Đồng, 2018.-80 tr.; 20,5 cm x 18,5cm.
ĐKCB: STN-00768
Chất trữ tình gần gũi, sự thơ mộng nhưng không huyễn tưởng, cùng với ngôn ngữ thơ mềm mại, nữ tính khiến bạn đọc đồng cảm với tập thơ “Em cứ sống một cuộc đời của cỏ”.
Tuổi trẻ thường dễ đắm chìm. Đắm chìm vào những điều buồn bã những đẹp đẽ của thế gian, rồi đem lòng bi lụy đời sống, xem đời sống là những cơn buồn dài miên viễn. Thường huyễn mộng mình mà xem nhân gian chẳng có chút nào vui. Ấy thế nhưng, có những người trẻ rất lạ lùng, họ đến với thế giới bằng trái tim quá đỗi hồi nhiên của chàng Hoàng Tử Bé, chuyện buồn ấy có lẽ chỉ cần ngắm hoàng hôn, sẽ thấy yên lòng, và thế gian này, thực vẫn nhẹ nhõm, yên bình biết bao. Ấy là dấu ấn mà tác giả trẻ Thúy Nhân đem đến cho độc giả qua tập thơ đầu tay Em cứ sống một cuộc đời của cỏ.
Những tâm sự riêng nhẹ nhàng mà sâu sắc. Phải nói rằng, thơ của Thúy Nhân toát ra nét giản dị, hồn nhiên của một người cầm bút. Cô hoàn toàn không để mình sa vào những cầu kì của ngôn ngữ, mà chú tâm vào bộc bạch xúc cảm từ sâu thẳm bên trong tâm hồn mình, bởi vậy những tâm sự riêng được tuôn ra nhẹ nhàng, nhưng thật sâu sắc:
“Ai buộc tóc cho em, buộc lại mối tình đầu?
Hướng đôi mắt em nhìn chân ai đang bước
Ai sẽ là người dắt ai đi trước?
Để em thôi ngoái nhìn lại quá khứ lạnh lùng..
Thứ duy nhất em có được Ở đằng sau?”
(Ai sẽ là người buộc lại những niềm đau)
Một tác giả đang ở giữa những năm hai mươi nhưng lại viết những câu thơ đậm đà, với những gợi mở nhiều tầng nhiều lớp bằng ý thơ về mái tóc, về điều kín đáo, đẹp đẽ và cũng đau đáu nhất của người phụ nữ khiến người đọc cảm động.
Trước đây, câu thơ của Lưu Trọng Lư viết về mái tóc của người phụ nữ rằng:
“Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay,
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông.
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng,
Thời gian lặng rớt một dòng buồn tênh”
Cái không khí buồn vương tỏa ra từ mái tóc ấy, dường như ở hai bài thơ cách nhau cả trăm năm đã tìm ra một nét đồng điệu, thật thơ mộng, thật ý nhị.
Thúy Nhân là một cô gái trẻ, nhưng viết thơ đằm thắm, nhẹ nhõm như một người đàn bà từng trải. Yêu thật sâu, thật đau, chỉ mong yêu cứ được vẹn mình là yêu:
“Nếu đã thương rồi xin hãy dốc lòng tin
Dẫu mai đây bên mình là người khác”
Hãy để giây phút hiện tại, hãy để cái khoảnh khắc của hiện tại này lấp đầy mọi chỗ trống trong tâm hồn ta, để ta có thể ngã vào một tình yêu tuyệt vời nhất. Ấy phải chăng là điều mà tâm hồn thơ ngây của Thúy Nhân trăn trở, để rồi viết nên những vần thơ vừa thực thà, vừa chất chứa đến thế.
Chủ đề, câu chuyện hay xúc cảm trong tập thơ của Thúy Nhân rất đa chiều. Ở đó, mỗi bài thơ đều có thể đem lại những khuôn mặt khác nhau, đó có thể là nỗi cô đơn của mỗi người giữa thành phố bộn bề (Thành phố), là nỗi xót xa về một tình yêu không thành (Cho những ngày bàn tay trơ trọi giữa mùa đông), hay tình cảm kính yêu vô bờ dành cho bố mẹ (Dù đi đâu và ở đó bao lâu)….
Mỗi bài thơ như một mảng màu, tác giả đem ghép lại cùng nhau, để tạo nên một bức tranh đời sống của riêng mình. Ở tập thơ Em cứ sống một cuộc đời của Cỏ, người đọc có lẽ sẽ thích thú vì được “chạm” đến tác giả ở những mặt khuất khác nhau. Sau những vần thơ thật buồn, điều khiến thơ Thúy Nhân chinh phục bạn đọc chính là cách cô gái trẻ mở cửa tâm hồn mình để ùa vào lòng cuộc sống.
“Em vẫn còn đó đôi bàn chân
Để đi và ngắm những điều chưa kịp thấy
Em vẫn còn đôi bàn tay đấy
Để ôm lấy thương yêu vào lòng”
(Em vẫn còn đó đôi bàn chân)
Sau những vết đau, sau những hằn in của cô độc, của chia lìa, trong ái tình và trong biết bao mối quan hệ khác của đời sống. Em, cô gái thật nhỏ bé, đã một lần thấu suốt bản thân mình, để có thể yêu thương bản thân mình, có thể bước ra ngoài kia, đi và trải nghiệm đời sống rực rỡ ấy, quả thực cái nhiệt huyết sâu thẳm của tuổi trẻ, ẩn mình trong những vần thơ thực giản dị, tựa như một lời thủ thỉ, một lời tâm tình, của những người bạn quý.
Không khí rộn ràng, tươi vui của lòng yêu đời
Em dậy chưa? cũng là môt bài thơ rất khác của Thúy Nhân, một bài thơ rộn ràng, một bài thơ tươi mới, nó khiến người đọc nhớ tới Vội vàngcủa thi sĩ Xuân Diệu, thời ông còn trẻ:
“mau với chứ, vội vàng lên với chứ”:
“Em dậy chưa nắng mới đã lên rồi Ngày hôm qua đã trôi về phía cũ”
“Em dậy chưa không khí rất trong lành
Ra ngoài chút đi, tìm gì ăn sáng đã
Một ổ bánh mì và một ly nâu đá
Nhìn ngắm phố dài vội vã những điều yêu”
Cái không khí rộn ràng, cái không khí vui tươi của ngày mới đã được Thúy Nhân bày biện ở đây, rất sống động, rất hiện đại, và tươi mới. Thành phố vốn hằn in bao mệt mỏi, nhưng bởi vì ngày mới ập đến, ánh nắng chan hòa khắp ngõ phố, ấy là khi ta phải cất mình, thức dậy, bước đi. Cuộc sống rộn ràng, với biết bao câu chuyện gợi mở vẫn ở đây.
Chất trữ tình gần gũi, sự thơ mộng nhưng không huyễn tưởng khỏi đời sống, cùng với ngôn ngữ thơ mềm mại, nữ tính khiến cho việc đọc tập thơ của Thúy Nhân tựa như việc ngồi dưới một gốc cây, càng đọc về cuối, càng cảm thấy rõ những luồng gió mát trên đầu, lắng nghe thêm rõ những thanh âm của đời sống. Những âm thanh thủ thỉ một tình yêu đời sống nhẹ nhõm, rạng rỡ. Neo vào những vần thơ ấy, biết nâng niu thêm những khoảnh khắc bé nhỏ trong đời sống ngắn ngủi ở nhân gian của mình.
Trong tập thơ Em cứ sống một cuộc đời của cỏ, Thúy Nhân viết chắc tay, bộc lộ sự say mê tâm tình bằng thi ca. Bởi thế, rất dễ có thể khiến độc giả say đắm và đồng cảm. Có lẽ đối với một người viết, có người đọc thơ, cùng mình chia sẽ những cảm xúc ở những vần thơ, cũng giống như gặp được một người có thể sẵn sàng lặng lẽ ngắm hoàng hôn cùng mình. Ấy đã là mối duyên lành thực đẹp giữa tác giả và độc giả rồi.
Cuốn sách “Em cứ sống một cuộc đời của cỏ” hiện đang có mặt tại Thư viện nhà trường quý thầy cô và các em có thể tìm đọc
Hẹn các bạn buổi giới thiệu sách lần sau.